
CONNECT WITH US NOW
We are always ready to listen and offer the most suitable solution for your business.
Tháng Tự Hào, EZ Now đã có một buổi trò chuyện cùng bạn Trọng Hoàng – một Content Creator Gen Z thuộc cộng đồng LGBTQIA+.
Cùng khám phá hành trình của Hoàng khi là một người sáng tạo nội dung năng động, một người phi nhị nguyên giới (non-binary) với những câu chuyện xoay quanh định kiến, gia đình và trên tất cả là con đường học cách yêu thương bản thân trong bài viết dưới đây nhé!
Mọi phiên bản đều là mình vì mỗi con người đều có những khía cạnh khác nhau. Không phải nói là nhiều mặt, mà là nhiều nét tính cách. Cá nhân mình là một người tương đối phức tạp. Có lúc vui vẻ, lúc lại trầm tư, đôi khi nông cạn, nhưng cũng có cả sâu sắc và tình cảm, cứng rắn và yếu đuối. Việc tạo dựng và lựa chọn nền tảng nào để thể hiện nét tính cách phù hợp là tuỳ biến. Đối với mình, mạng xã hội chỉ là nơi thể hiện con người mình thôi.
Việc có nhiều hình tượng như thế mình cũng từng được đặt câu hỏi. Mọi người phần đông thắc mắc là: “Sao bạn này khác thế?” (cười). Rồi có người bảo mình giả tạo, nông cạn, hai mặt,… Những lời nhận xét này mình từng gặp nhiều, thậm chí trước cả khi chính thức xây kênh và xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. Nhưng mình cũng nói từ đầu, mình là người phức tạp. Ban đầu nghe những lời nhận xét không mấy thiện chí này, mình cũng buồn lắm. Có ai mà vui nổi khi bị nói là hai mặt, đúng không? Nhưng sau đấy mình thấy bình thường. Mình sống trong định kiến quen rồi. Từ nhỏ đến lớn, không biết phải đối diện với bao nhiêu định kiến. Mình coi đó là những gia vị trong những điều phải đương đầu mỗi ngày thôi.
Còn về việc có bất lợi hay không thì mình nghĩ rằng sẽ không bao giờ có quyền ngăn chặn những đánh giá có phần tiêu cực đó. Điều duy nhất mình có thể làm là tiếp nhận rồi xử lý chúng. Trước sau gì mình cũng vẫn sẽ đọc được bình luận tiêu cực, không lúc này thì lúc khác. Cái gì hợp lý mình sẽ tiếp thu. Còn ngược lại, khi họ đánh giá mà không tìm hiểu, không biết bối cảnh và hoàn cảnh của một cá nhân thì mình chọn bỏ qua.
Trước tiên, mình là một người thích viết. Để việc viết được đều đặn, đòi hỏi đam mê và niềm yêu thích rất lớn. Mỗi một ý tưởng được chuyển thành câu chữ vốn đã khó khăn rồi. Đôi khi, viết xong lại phải đối mặt với những lời đánh giá, một điều không thể tránh khỏi. Toàn bộ quá trình này đều cần đam mê vô cùng để theo đuổi bền bỉ.
Điều thứ hai, mình nghĩ việc làm nội dung, viết lách giống như một công cụ để bày tỏ bản thân một cách trọn vẹn hơn. Là một người có nhu cầu bày tỏ, khi viết, mình như được thể hiện cái tôi cá nhân. Mình có thể giải tỏa cảm xúc, nhìn lại bản thân, nhìn ngược lại những sự việc đã xảy ra và xem chính mình đang nhìn nhận mọi thứ như thế nào. Đó là quá trình thể hiện sự phản chiếu hai chiều, cũng là một công cụ đấu tranh cho những điều mình cho là đúng, cho những cộng đồng yếu thế mình muốn bảo vệ, bằng năng lực của mình.
Mình từng nhận được khá nhiều câu hỏi về chủ đề tương tự, rằng nhiều bạn trước đây không quá tự tin vào bản thân và luôn nghĩ rằng phải như mình, phải đặc biệt ở một điều gì đó thì mới làm Content Creator được.
Nhưng trên thực tế là chính mình cũng không dám nói bản thân lúc nào cũng có đủ tự tin. Bởi sự tự tin là cả một quá trình rèn luyện. Tuy nhiên, việc bắt đầu làm người sáng tạo nội dung không bắt đầu bằng việc mình tự tin mà đến từ mong muốn chia sẻ, dùng tiếng nói cá nhân chạm đến mọi người và đưa ra những thông điệp có giá trị. Vì thế mà câu chuyện đam mê đặt trên tự tin vì càng viết nhiều thì mình càng tự tin hơn và càng có động lực để viết tiếp. Mình tin là nguồn gốc của sự tự tin đến từ việc hiểu bản thân trước, biết đâu là thế mạnh của mình, thì mới có thể thể hiện được ra bên ngoài.
Mỗi công việc sẽ yêu cầu một bộ kỹ năng khác nhau, công việc sáng tạo nội dung cũng vậy. Cần sở hữu những kỹ năng về mặt triển khai nội dung, về cách sáng tạo, thấu hiểu và đưa ra những ý tưởng phù hợp. Với các Content Creator đi theo hướng thương mại hơn thì lại phải hiểu thêm về nhãn hàng, về insight, về những kiến thức marketing căn bản nữa. Tựu chung lại, sáng tạo nội dung là một nghề cần bộ kỹ năng khá dày. Còn việc tự tin hay đam mê chỉ là những yếu tố có thể giúp mình vượt qua khó khăn, tiếp nối nghề một cách bền vững hơn thôi.
Mình nghĩ là hẳn là ai cũng có những giai đoạn chán ghét bản thân. Đối với mình thì gần như suốt giai đoạn tuổi thơ. Mình là một người thuộc cộng đồng LGBTQIA+, cụ thể là người phi nhị nguyên giới, đồng tính nam. Chỉ mới gần đây mình mới biết được cụ thể như vậy, còn suốt quãng thời gian trước đó là một sự mù mờ hoàn toàn. Dù biết là bản thân rất là khác so với mọi người rồi, nhưng mình vẫn chưa thể định danh chính xác.
Khi mà bạn được sinh ra ở một vùng núi, nơi mà mọi người coi trọng sự giống nhau, ai cũng thích những thứ giống nhau và giống số đông thì việc trở thành một điểm khác biệt có thể sẽ gây ra rất nhiều áp lực. Đặc biệt là với một quãng thời gian dài từng tự ti, khi thực sự hiểu bản thân là ai mang lại cho mình cảm giác như bùng nổ vậy. Đó chính là lúc mình thấy chán ghét bản thân nhất.
Mình đã nghĩ là bản thân đã mắc một tội lỗi gì đó với ông bà, bố mẹ, với những người đã cho mình một cuộc sống. Việc mình thích đàn ông giống như đã phản bội lại niềm tin của họ. Lúc đó mình khóc nhiều lắm, vì mỗi lần thích, mỗi lần rung động với một ai đó, thì thay vì cảm giác hồi hộp, phấn khích, mình chỉ thấy thật kinh khủng. Mất khoảng hai năm từ lớp Tám đến lớp Mười. Mình không nhớ quãng thời gian tăm tối đó, mình thể hiện ra ngoài có tự tin hay không, nhưng sâu bên trong chỉ toàn là chán ghét, thậm chí căm thù bản thân. Không có một chút nào của việc tự tin và thoải mái như hiện tại.
Đấy là điều mà mình cũng hay được hỏi (cười) và mỗi khi mà được hỏi mình lại phải giải thích lại rất dài cho mọi người. Nói về câu chuyện này sẽ có một số khái niệm mà có lẽ nhiều người còn đang thấy bối rối, chưa phân biệt được.
Thứ nhất là xu hướng tính dục. Xu hướng tính dục đơn giản là việc trái tim bạn hướng đến ai. Tức là mình yêu ai hay nói một cách thẳng thắn hơn là mình muốn quan hệ tình dục với ai, muốn có hoạt động tình dục với ai, việc này sẽ thể hiện xu hướng tính dục của mình. Mỗi một khái niệm lại hình thành nên một xu hướng tính dục khác nhau.
Câu chuyện mọi người hay nói về nhiều hơn là giới tính. Giới tính là bộ phận sinh dục, sẽ có giới tính nam và giới tính nữ. Nếu không các bệnh về di truyền thì cơ bản sẽ có hai giới tính như vậy.
Bản dạng giới là việc mà bản thân mình định nghĩa mình là ai. Tức là bạn tự nhìn nhận, nhận định, thấy mình là một người thế nào.
Cuối cùng là thể hiện giới, tức là cách mình thể hiện ra bên ngoài. Như vậy sẽ những điều như sau: giới tính sẽ có giới tính nam và giới tính nữ; xu hướng tính dục sẽ có thích nam hay thích nữ, bên cạnh đó là các tổ hợp khác nhau. Ngoài ra còn có nhiều xu hướng tính dục phức tạp hơn nhiều. Có thể kể đến như những người thích cả giới tính nam và giới tính nữ, hoặc là không quan tâm đến giới tính khi họ yêu, hoặc là không có cảm hứng quan hệ tình dục mà họ chỉ thích một cách lãng mạn thôi chứ không muốn quan hệ.
Sau đấy là câu chuyện của bản dạng giới thì chỉ đơn giản là mình định nghĩa bản thân, bỏ qua câu chuyện là mình thích ai, bỏ qua bộ phận mà mình được trao cho về mặt sinh học là gì, mình định nghĩa bản thân là ai. Tức là mình nhìn bản thân là ai, có thể không phải là nam không phải là nữ như mình chẳng hạn. Bạn có thể nhìn bản thân là nam có thể nhìn bản thân là nữ, nhưng cũng có thể không là ai cả. Ví dụ như mình là người phi nhị nguyên giới, tức là mình không cảm thấy thoải mái với việc bị định nghĩa là đàn ông hay đàn bà bởi bộ phận sinh dục.
Còn thể hiện giới chỉ đơn giản là cái cách mình thể hiện bản thân như thế nào ra ngoài. Cách ăn mặc, cách nói chuyện, cử chỉ động tác,… Thường thể hiện giờ sẽ có hai khía cạnh, là tính nam và tính nữ. Tính nam và tính nữ là hai khái niệm do xã hội đặt ra, tức là xã hội áp lên con người. Ví dụ như trang điểm sẽ là tính nữ, hay mặc váy thì sẽ là tính nữ. Câu chuyện thể hiện giới thì nó nhiều hơn về phần sở thích của mình như thế nào? Mình là một người thích thể hiện theo phong cách nữ tính nên mình sẽ ăn vận và trang điểm như thế, nhưng mình không hề có ý định muốn chuyển giới thành nữ. Bởi vì về bản dạng giới thì mình là non-binary (không nhận định bản thân là nam hay nữ), giới tính sinh học là nam và xu hướng tính dục là gay.
Mình không dám nói là với mọi người, việc này có quan trọng hay không. Nhưng với cá nhân mình việc định nghĩa được bản thân là ai đó cực kỳ quan trọng. Bởi vì điều này giống như một cái mỏ neo về niềm tin và về mọi thứ trong cuộc sống. Nếu như mình không biết bản thân là ai thì làm sao mình có thể chăm chỉ, sẵn sàng, tìm hiểu về thế giới? Hay nếu như mình không yêu mình làm sao mình yêu được người khác.
Vì thế, mình tin là việc hiểu bản thân sẽ giúp tạo ra động lực để mình khám phá thế giới. Và nếu như trên một chặng đường nào đó, mình mệt mỏi hay cảm thấy bị lạc lối thì ít nhất còn có một mỏ neo để bám vào. Đó là sự thấu hiểu về bản thân để tìm được con đường tiếp theo.
Thực ra, khoảnh khắc nhận ra của mình không cao siêu như mọi người vẫn tưởng tượng.
Hồi học lớp 8, mình vô tình nhìn thấy những cái hình ảnh của người mẫu nam khỏa thân. Lúc đó cảm thấy ôi trời ơi rất là rạo rực. Câu chuyện xu hướng tính dục là chuyện mình thích quan hệ với ai mà. Lúc đó giống như một công tắc bật trong đầu mình, mình không hiểu sao bản thân lại có cảm hứng với những hình ảnh như vậy.
Sau đó, tìm hiểu thêm, mình biết thế là gay, là thích đàn ông. Khi nhận ra, mình có từng thích một bạn nam trong lớp, mọi thứ như được xác nhận thêm lần nữa. Mình tin là ai nắm bắt được cảm xúc đều sẽ cảm thấy đầu tiên là bất ngờ và hoảng loạn, đặc biệt là những bạn phát triển ở trong một môi trường truyền thống như mình, hoặc chưa có nhiều kiến thức về cộng đồng LGBTQIA+. Nếu như các bạn không có cảm xúc tương tự mình thì thật là may mắn. Nhưng với những bạn mà cũng có phản ứng tiêu cực như mình, mình mong là các bạn có thể bình tĩnh ngồi lại và tìm hiểu thêm thông tin, rồi hẵng bắt đầu đến với những cảm xúc tiếp theo.
Còn mình ngày xưa thật sự là bị hoảng loạn. Thứ nhất, mình sợ chính bản thân, mình cảm thấy như mình là một con quỷ, chắc chắn là bị bệnh rồi. Bởi vì mọi thứ đều khiến mình nghĩ là bản thân thật sự bất bình thường. Cứ như bị ốm, hoặc đầu óc có vấn gì đó.
Nói chung là rất sợ hãi chính bản thân mình. Mình không sợ mọi người, mình chỉ sợ bản thân thôi, vì đã lỡ manh nha những cảm xúc không thể kiểm soát được như vậy. Có một cái sợ nữa là sợ lộ, sợ mọi người biết, đặc biệt là sợ gia đình biết. Mình rất trốn tránh hiện thực đó. Rồi mình buồn, buồn vì tại sao bản thân lại thành ra như thế. Mình cố gắng, mình nỗ lực mà tại sao, số phận ông trời lại đối xử với mình như thế. Mình nghĩ rằng là sẽ không bao giờ có thể làm được điều gì to tát, hay không thể trở thành những người như mình muốn, có thể có ảnh hưởng đến người khác được.
Mình nghĩ là khó, thậm chí là chưa thể nào. Vì mình không biết có phải do bối cảnh của mình không, mà sau khi có một giai đoạn mình chán ghét bản thân xong, mình quay ra bực tức với thế giới. Mình nghĩ phản ứng này cũng logic thôi. Khi ghét bản thân xong, mình sẽ có một câu hỏi lớn là: “Vậy thì ai khiến cho mình ghét bản thân như thế?”.
Là thế giới ngoài kia. Mọi người, ai cũng có định kiến, những ánh nhìn khó chịu. Mình không đổ lỗi cho môi trường, cho bố mẹ, cho những người đã nuôi lớn mình mà chỉ đơn giản là mọi người cũng không biết. Bởi vì chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra với mẹ, mẹ làm sao biết cần phải xử sự thế nào?
Hơn nữa, được nuôi lớn trong một môi trường truyền thống và đề cao tính cộng đồng, sự tương đồng giữa những cá thể trong một cộng đồng với nhau, thì phải có sự tương đồng với số đông. Bất kỳ thứ khác biệt nào cũng cần phải đánh giá và soi xét. Cụ thể là sự “khác biệt” từ mình.
Tự lý giải như thế, mình quay sang ghét bỏ cộng đồng. Đến tận năm hai, năm ba đại học, sự căm ghét dành cho thế giới của mình vẫn còn đó. Khi mà mình ghét xã hội, nhìn thấy gì mình cũng ghê, thấy ai mình cũng mắng, để dìm người ta xuống để mình cảm thấy tốt hơn, để che đậy sự tự ti từ sâu bên trong, để nâng bản thân mình lên.
Qua khoảng thời gian đấy thì dần dần, mình cũng phải nhận ra khi bạn bè bỏ rơi mình, những người xung quanh không chịu nổi mình nữa. Khi vào môi trường đi làm chuyên nghiệp, mình cảm thấy góc nhìn của bản thân về thế giới đang bị xấu quá và điều đó khiến cho mình rất mệt mỏi. Nên dần dần mình cũng nhận ra, điều chỉnh để yêu mọi người hơn, từ từ, mình học cách yêu bản thân để lan tỏa được tình yêu ấy với mọi người.
Mình nghĩ là hành trình này chưa kết thúc đâu. Ai cũng sẽ có những khoảnh khắc như thế nhưng quan trọng là mình biết được rằng bản thân đang đi đúng hướng.
Phức tạp lắm. Mình thực sự không thể nói một cách đơn giản như mô tả bằng một thứ cảm xúc gì đó được. Bố mẹ mình là những người giáo viên truyền thống và chưa tiếp xúc với những điều này bao giờ. Đương nhiên sinh một bé trai thì ai cũng nghĩ nó sẽ phải lấy vợ sinh con, có một gia đình như bao chàng trai khác.
Khi mà mình có những biểu hiện giống con gái và cũng thể hiện việc thích con trai, mẹ cũng tinh tế nhận ra và mẹ cũng bị choáng, sốc, mệt mỏi. Đầu tiên, mẹ không thích điều đấy ở mình, sau đó là ghét bỏ bản thân tại sao lại sinh ra mình như thế. Diễn biến quá trình cảm xúc của hai mẹ con đâu đấy khá giống nhau. Cũng là ghét bỏ con, ghét bỏ chính mình và sau đó là ghét xã hội.
Bố thì thoải mái hơn. Bố mình nghĩ rằng, bố chỉ là người sinh ra mình, việc sống thế nào là của cá nhân mỗi người. Bố mẹ đều rất yêu thương con mình và tin rằng những điều mình làm là tốt nhất cho con. Còn mình thì không tin như vậy. Mình hiểu là mẹ yêu mình, nhưng chính vì sự khác biệt, mình mặc định rằng chẳng ai có thể biết đâu là điều tốt nhất cho mình được.
Do những mâu thuẫn, hai mẹ con cãi nhau rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn đầu đại học. Có những tin nhắn mình biết là mẹ đọc được sẽ buồn, có những cuộc điện thoại cứ gọi là khóc. Thế nhưng bằng cách nào đấy, khi mà hai người đều đã đủ đau, đã đủ tổn thương rồi, mình cũng học được cái cách biết lắng nghe và thấu hiểu cho góc nhìn của mẹ hơn.
Từ đó, mối quan hệ của hai người mới dần dần tốt lên. Có một điều mình rất tự hào trong hành trình yêu thương bản thân hơn, đấy là đã khiến bố mẹ chấp nhận và yêu thương con người này của mình và tự hào về những điều mà mình có hiện nay. Tết vừa rồi có một chuyện rất đáng nhớ đó là trong một gia đình từng truyền thống như thế, việc mọi người ngồi với nhau để nói về xu hướng tính dục, nói về bản dạng giới,.. là vô cùng đặc biệt và thiêng liêng. Tết vừa rồi mình đã làm được điều đấy. Đôi bên nói một cách rất thoải mái mà không hề có một định kiến gì. Bố mẹ cũng bày tỏ tất cả những băn khoăn, thắc mắc và mình cũng giải thích để bố mẹ hiểu.
Ngay bây giờ khi nhớ lại khoảnh khắc đấy mình vẫn rất vui. Nó giống như một thành tựu lớn hơn bất kỳ một thành tựu nào trong công việc mà mình đã từng đạt được.
Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam, chuyện bố mẹ phản đối và có những hành động đau lòng với con mình khi phát hiện ra con thuộc cộng đồng là một điều bình thường. Mình nghĩ rất nhiều người gặp phải chuyện come out mà đủ thứ sóng gió kéo theo, như trên phim hay mô tả. Những hình ảnh đó dù tiêu cực nhưng cũng không phải sai.
Còn cá nhân mình thì mình cảm thấy thật may mắn và cảm ơn ông trời khi đã cho mình một sự bình tĩnh trong lúc đối diện với tất cả. Mình làm mọi thứ dần dần, để bố mẹ có thời gian bình tĩnh. Đầu tiên là khiến bố mẹ giảm kỳ vọng vào mình, từ từ là dần chấp nhận mình và hiểu ra vấn đề. Để đến khi tất cả những bước “giảm xóc” qua đi, câu chuyện chỉ còn lại là mình và mẹ, vào một buổi chiều, trong một cuộc nói chuyện bình thường, thành thật với nhau.
Mọi người cũng rất hay nói với mình câu này, đại loại như: “À, mày comeout, mày dũng cảm quá”. Mình nghĩ là mỗi một quyết định đều có một sự dũng cảm riêng bởi vì mình từng cân nhắc điều đấy. Mình đã từng nghĩ trong đầu rằng chắc là sẽ không bao giờ nói chuyện với bố mẹ về chuyện mình là gay. Và thậm chí mình còn định là ở sau này có cô bạn lesbian (đồng tính nữ) nào để giả vờ về ở với nhau cho bố mẹ hai bên đều vui lòng.
Nhưng mà mình nhận ra bản thân không đủ dũng cảm để hy sinh hạnh phúc của bản thân cho sự dĩ hòa vi quý với gia đình. Chính vì thế, mình nghĩ những người lựa chọn không come out cũng là một sự dũng cảm của họ. Họ dám hy sinh được hạnh phúc bản thân. Mặc dù đấy là một điều mình nghĩ là cực hình để họ giữ cho gia đình mình được yên ấm. Vậy nên những người chọn hy sinh để “sống trong tủ” đâu đấy cũng là một sự dũng cảm.
Các bạn hay trêu mình: “Đi ra đường đố ai không nhìn được mày”. Có nghĩa là tất cả mọi người sẽ nhìn mình. Thậm chí là bước vào thang máy, tất cả mọi người sẽ dừng lại, ngẩng lên nhìn từ trên xuống dưới không hề giấu giếm. Có những người quay đi khi mình nhìn, còn có những người khi mình nhìn thì họ tiếp tục nhìn lại. Thậm chí có người đang đi xe đạp họ quay ngoái đầu lại nhìn.
Thứ nhất là mình bị để ý là một chuyện, đôi khi khiến mình hơi khó chịu. Đi cùng với những ánh nhìn đấy là những suy nghĩ trong lòng kiểu như: “Ôi, cái con gì đây?” hoặc “Ôi, ăn mặc thế nào thế này, ai đây?” hay “Thế là cuối cùng đàn ông hay đàn bà?” rồi là “Đực hay cái”.
Dưới những bình luận có thể là “Con trai gì mà đánh son trông kinh thế” rồi “Không biết đàn ông hay đàn bà” hay “Nói đớt lưỡi!”. Có những người họ kỳ thị một cách kín hơn. Họ tước đi những cơ hội mà mình xứng đáng nhận được chẳng hạn như nếu mình và một người cùng có khả năng như nhau thì mình sẽ không nhận được cơ hội bởi vì người kia trông “thẳng” và “bình thường” hơn. Cũng có những người họ sẽ nói những câu đùa vu vơ thôi như: “Con trai con đứa đi đứng thẳng lên”!
Sẽ có ba lớp. Lớp thứ nhất là những người chỉ có định kiến, những người không chấp nhận. Tầng thứ hai là những người không có quá nhiều định kiến nhưng họ tò mò, họ có những nỗi dè dặt bởi họ sợ họ sẽ bị chuyển xuống tầng dưới. Họ muốn thể hiện sự tôn trọng nhưng họ không biết làm thế nào. Còn nhóm thứ 3 là nhóm có hiểu biết, họ không còn ngại những chuyện đấy nữa, họ sẽ hỏi thẳng.
Mình thấy nhóm ở giữa rất là đông, thường là những người mà mình tiếp xúc, nên mình nghĩ như thế này: Một khi có thắc mắc thì hãy cứ đặt câu hỏi. Mình không biết người khác cũng trong cộng đồng như thế nào nhưng cá nhân mình không phải là một người nhạy cảm và dễ tổn thương đến thế và mình rất hiểu một điều rằng: “À, việc này là một điều lạ lẫm với mọi người”. Nó bình thường nhưng nó lạ. Bởi vì nói thế nào thì nói, cộng đồng LGBTQIA+ cũng chỉ chiếm 1% đến 1,5% trong dân số thôi, vậy thì đó là thiểu sổ rồi. Hiểu được tinh thần này, khi được hỏi một cách thiện chí, mình đều sẵn lòng trả lời.
Tình yêu chỉ là tình yêu thôi, không phải như định kiến của các mối quan hệ dị tính. Bản thân cộng đồng LGBTQIA+ đại diện cho sự không đi theo những khuôn mẫu cũ và việc phải phân biệt được vợ và chồng chính là khuôn mẫu đó. Vì thế, việc phân định dựa trên sở thích về mặt tình dục của mỗi người, không đi theo quy chuẩn nào cả.
Để hiểu được mình là ai thì mình luôn phải thử nhưng mà còn có những người không nhất thiết là phải thử. Ngay khi bắt đầu dậy thì, mình đã có cảm giác với đàn ông rồi và như vậy là đủ, không cần phải thử thêm gì cả.
Mình nghĩ câu chuyện xu hướng tình dục cần mọi người phải tìm hiểu dần dần và cũng không có gì ngạc nhiên khi tự dưng mình thích người này rồi tự dưng mình thích người kia, tự nhiên mình không giống như mình nghĩ lúc đầu. Tức là câu chuyện làm sao mình biết mình đồng tính không quá quan trọng như thế. Mình cứ sống một cách bình thường mình, yêu ai thì đến lúc đấy mình phát hiện sau.
Cái nay mình hay trả lời với mọi người là: “Thế thì tổ chức đi, ai bảo không tổ chức thì không có”, có ai cấm đâu? Cái này đi cùng với một suy nghĩ nữa đó là “Cộng đồng LGBTQIA + làm quá lên, bê đê thì cứ bê đê thôi, có gì phải tự hào”.
Thật ra bởi cộng đồng LGBTQIA+ phải chịu nhiều sự định kiến, phải chịu nhiều sự bất công, thế nên Pride Month giống như Ngày Phụ nữ Việt Nam. Đó là một dạng cùng tôn vinh những thành công, những bước tiến mà cộng đồng đã làm được. Tương tự như Ngày Phụ nữ Việt Nam, là ngày dành cho những người trong cộng đồng tự tôn vinh nhau, tôn vinh những tiến bộ, những tác động, những bước đi mà họ đã làm được trong suốt chiều dài lịch sự. Còn đối với người ngoài thì đó cũng là một cơ hội, giống như Ngày Phụ nữ Việt Nam, các anh đàn ông cũng sẽ thể hiện sự trân trọng với người phụ nữ của mình. Với Pride Month, người ngoài sẽ thể hiện sự trân trọng với những nỗ lực, những vẻ đẹp của cộng đồng LGBTQIA+. Còn những người dị tính, muốn tổ chức, muốn tự hào thì tổ chức đi, đâu ai cấm đâu mà phải thắc mắc (cười).
Có thật nha. Gaydar được hiểu như một linh cảm “dò” ra được đối phương có thuộc cộng đồng LGBTQIA+ không. Có nghĩa là những người trong cộng đồng hay linh cảm được nhau. Mình thì hơi dốt một tí, gaydar của mình hơi tệ (cười). Thường phải là những người tiếp xúc với nhiều nhiều bạn khác nhau, tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng thì mới có thể cảm nhận rõ ràng được. Càng gặp nhiều người thì gaydar của mình càng nhạy.
Nhiều người nói là: “Ồ chắc là cong là điều không ai muốn, nó cũng không muốn thế đâu”. Nhưng thực tế không phải. Mẹ mình cũng hay bảo: “Mẹ cứ nghĩ là khi mà con giống như các bạn trai khác, con dị tính thì con sẽ tốt, vui hơn trong cuộc sống”, mình thì mình không nghĩ thế.
Mình nghĩ là mỗi người đều được trao cho một cuộc sống và một hành trình riêng bởi tạo hóa. Và những bộ công cụ, mỗi một cái nét tính cách hay một đặc điểm của mình đều để mình thi triển, phát huy ở trên hành trình đó. Nếu như không là gay thì có thể mình không được như bây giờ. Có thể hành trình nhận ra bản thân của mình sẽ lâu hơn, sẽ phức tạp hơn. Khi yêu bản thân của bây giờ, đương nhiên mình yêu tất cả những gì tạo nên nó. Mình không bao giờ mình muốn mình “thẳng” đâu, không bao giờ.
Mình là một người vô tâm vì để ý đến công việc quá nhiều nên đôi khi sẽ không màng đến cảm xúc của người khác. Có lúc đến mức khá khô khan hoặc không biết được người yêu đang nghĩ gì. Điều thứ hai là mình làm mọi thứ xoay quanh mỗi bản thân thôi. Điều này khiến người yêu sẽ phải quanh vòng xung quanh mình. Trong một mối quan hệ thì điều này không được hay ho lắm.
Có một thời gian mình hay đi hẹn hò, gặp rất nhiều người không tốt. Họ chỉ muốn lợi ích từ mình trong một khía cạnh nào đấy. Hoặc cảm thấy là sau khi nói chuyện với mình mà không đạt được mục đích thì sẽ cư xử rất thô lỗ. Có những người sau khi nhìn thấy mình có vẻ không đúng gu lắm, họ ngáp trước mặt tỏ thái độ rất thô lỗ. Thậm chí họ còn nói: “Ôi anh buồn ngủ quá, anh mệt quá, thôi đi về đi”. Những chuyện hẹn hò như vậy mình gặp không hề ít.
Câu chuyện hẹn hò vừa rồi chính là ví dụ hay về rào cản và định kiến. Cụ thể, tính khuôn mẫu của định kiến không chỉ diễn ra ở ngoài cộng đồng mà ở cả trong cộng đồng nữa, tức là giữa các bạn LGBTQIA+ với nhau. Ví dụ: gay ghét les, hay là gay ghét trans, được coi là chuyện rất bình thường.
Có những bạn gay mình biết họ ghét người chuyển giới kinh khủng. Họ cảm thấy những người chuyển giới làm lố, làm xấu mặt cộng đồng vì trông ghê và lố bịch. Và nhiều khi họ hẹn hò với mình, họ nhìn mình rồi nói là trông mình kinh, lố lăng. Như vậy, bản thân trong cộng đồng cũng có định kiến, tức là gay phải trông thế này, les phải trông thế kia và cũng phải có những đặc tính này những đặc tính kia mới là hay, mới là tốt. Những định kiến đó tạo ra rào cản tâm lý, khiến họ không sẵn sàng chấp nhận điều gì mới đến với bản thân cả. Trong đó cũng có phần không chấp nhận chính con người thật.
Có một người mà mình quen, anh ấy rất ghét những người trang điểm như mình chẳng hạn. Anh ấy hay nói với mình là sao trang điểm đậm thế. Anh ấy không tiết lộ là gay, nhưng mình biết anh ấy là gay. Mình hiểu bản thân họ cũng đang trong quá trình ghét bản thân. Họ ghét phải nhìn nhận ngược lại những cái hình ảnh như mình, nó như một tấm gương phản chiếu phần nào đó trong con người họ. Và bởi họ ghét bản thân nên họ ghét những người giống như phần con người mà họ đang ghét bỏ đó.
Cái quan trọng nhất của rào cản tâm lý với người trong cộng đồng và người ngoài cộng đồng là sự hiểu biết. Mình đã từng nghĩ, “Tại sao mọi người sợ mình thế?”, “Tại sao mọi người sợ khi nói đến LGBTQIA+ như thế?. Lý do là bởi vì chủ đề này không bao giờ được bàn luận một cách công khai, một cách rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Mọi người thường sẽ nói đến câu chuyện là “À, người trong cộng đồng thế này thế kia”, “Tâm trạng thế này, thế kia” nhưng nói về kiến thức thì không ai nói. Nên là sẽ có những câu hỏi cắc cớ, sai trọng tâm khiến mọi người sẽ không biết phải cư xử với những người trong cộng đồng như thế nào.
Nên mình nghĩ là phải truyền tải kiến thức, những cái câu chuyện như về định kiến và về bản dạng giới, xu hướng tính dục, thể hiện giới, giới tính nên được làm rõ và tất cả mọi người đều nên hiểu. Rồi những vấn đề khác liên quan đến là xã hội học, về câu chuyện LGBTQIA+ cũng nên được truyền tải một cách rõ ràng hơn.
Thực ra trong bất kỳ môi trường nào thì cũng nên có sự bình đẳng, vì chúng ta là con người với nhau và chúng ta chỉ nên đối xử với nhau, đánh giá nhau dựa trên những gì bối cảnh cho phép. Chẳng hạn như khi làm MC, họ được đánh giá bởi giọng nói, bởi thần thái chứ không nên đánh giá là bạn này “thẳng” hay “cong”.
Chúng ta chỉ nên đánh giá nhau dựa trên một khuôn quy chuẩn trong công việc chúng ta làm thôi. Còn mình là người hướng đến sự nghiệp nhiều, nên mình rất chú ý đến sự bình đẳng trong môi trường làm việc, đặc biệt là cho các bạn thuộc cộng đồng LGBTQIA+.
Mọi người cứ nghĩ rằng bây giờ xã hội đã thoáng hơn rồi thì chắc là những người như mình làm việc sẽ cũng không gặp nhiều vấn đề lắm. Nhưng thực tế là vẫn gặp rất nhiều vấn đề. Mình từng chia sẻ trên một chương trình truyền hình rằng mình từng không được cho đi gặp đối tác hay không được cho đi gặp một số khách hàng bởi vì mọi người sợ rằng nếu mình đi gặp thì người đó sẽ có ấn tượng xấu và sẽ không hợp tác với lại công ty nữa.
Sếp mình có nói thẳng với mình như thế. Và không phải nói riêng mà là nói giữa văn phòng, tức là họ coi đó là một điều bình thường. Chúng ta nên được đánh giá bằng năng lực chứ không phải là bằng việc chúng ta thể hiện giới như thế nào bởi như vậy rất bất công.
Mình vẫn có thể trân trọng bản thân hơn nữa và mình nghĩ hành trình yêu thương bản thân đối với mỗi con người sẽ diễn ra trong suốt cả cuộc đời cho đến tận khi nhắm mắt. Bởi vì chúng ta có rất nhiều khía cạnh và chúng ta sẽ luôn phải tìm hiểu, đấu tranh, hoặc để tìm cách sửa đổi, hoặc tìm cách yêu thương lấy mọi khía cạnh đó.
Khi nghĩ về hành trình này, mình thấy rất biết ơn và trân trọng việc là một người thuộc cộng đồng LGBTQIA+. Nhờ đó mà mình phải nhìn nhận bản thân nghiêm túc hơn, lâu dài hơn và kỹ càng hơn. Tất cả giúp cho hành trình yêu thương và thấu hiểu bản thân được rút ngắn.
Tháng Tự Hào là một khoảng thời gian để mọi người cùng nhìn lại những nỗ lực mà mình đã thực hiện và cùng trân trọng những nỗ lực, cũng như hướng về một tương lai tốt đẹp hơn, ngày càng bình đẳng hơn nữa. Mình mong rằng mọi người trong cộng đồng LGBTQIA+ nói riêng và tất cả mọi người nói chung sẽ luôn luôn học được cách yêu thương bản thân, trân trọng những điều mà chính mình đang có và lan tỏa được tình yêu đấy đến mọi người. Để làm được điều đấy, chúng ta sẽ phải chung tay với nhau, sẽ phải tôn trọng lẫn nhau.
Mình mong là mọi người sẽ đoàn kết sẽ chung tay và cùng hướng về một tương lai mà chúng ta được đối xử thực sự bình đẳng, không phải là ưu tiên mà là đối xử giống như bao người khác.
Cảm ơn Hoàng về những chia sẻ đầy cảm hứng, chúc Hoàng luôn vững tin đi trên con đường mình đã chọn và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho mọi người!
>>> Bạn có thể nghe toàn bộ podcast trên Youtube, Spotify hoặc Apple Podcast!
Tú Cẩm | Make Believe Agency
We are always ready to listen and offer the most suitable solution for your business.