Hot TikToker Hạnh Nguyễn: “TikTok không phải thìa vàng và không hề rẻ!”

1.7K lượt xem
-
23/09/2023

Trong tập 3 của podcast Trà đá đi, khách mời Hạnh Nguyễn đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về ngành marketing.

Những năm gần đây, các nhãn hàng có xu hướng lựa chọn TikTok làm kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm. Thế nhưng, không phải lúc nào việc truyền thông trên TikTok cũng đạt được hiệu quả đáng mong đợi.

Vậy, đâu là thước đo để đánh giá mức độ hiệu quả của một kênh truyền thông? Nên xây dựng đội ngũ marketing inhouse hay thuê agency bên ngoài để tối ưu chi phí và hiệu quả? Và Gen Z, lực lượng người dùng chủ yếu của TikTok, có những hành vi như thế nào?

Hãy cùng Make Believe gặp gỡ Hạnh Nguyễn, Hot TikToker sở hữu gần 36K followers và cũng là Team Leader PR Marketing MCN VTVcab. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, Hạnh Nguyễn sẽ mang đến những kiến thức bổ ích về TikTok và ngành marketing. 

TikTok không phải “thìa vàng” với tất cả nhãn hàng

Xin chào anh Hạnh Nguyễn! Trong suốt 10 năm làm nghề, chắc chắn anh đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Hiện tại các nhãn hàng đang có xu hướng thực hiện các hoạt động marketing trên nhiều nền tảng. Nếu lựa chọn một nền tảng hợp lý nhất nhắm tới đối tượng trẻ cho thời điểm hiện tại thì anh Hạnh sẽ chọn nền tảng nào?

Chào khán giả của Trà đá đi. Tôi là Hạnh Nguyễn và đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành marketing hơn 10 năm. Theo tôi thấy, đối tượng trẻ đang có xu hướng “nuốt” những thông tin nhanh. Ví dụ như định dạng short video, infographic, meme… Nếu như đánh vào đối tượng này thì hoàn toàn có thể lựa chọn nền tảng TikTok. Sau đó từ nền tảng TikTok kéo được khách hàng sang Facebook và những nền tảng khác của mình.

Đánh giá hiệu quả chiến dịch marketing phải dựa vào tốc độ tăng trưởng của từng KPI trong mỗi giai đoạn nhất định. Có những giai đoạn KPI cuối cùng là độ phủ thương hiệu tới đúng đối tượng mục tiêu, lúc thì KPI là chỉ số ROI (tỷ lệ lợi nhuận trên tổng chi phí) cân bằng. Phải xác định kênh nào là kênh trọng yếu, nó phù hợp ở giai đoạn nào và KPI nào phù hợp với nó.

Vậy chi phí tiếp cận của kênh nào sẽ rẻ hơn?

Hmm… Thực ra tôi thấy việc so sánh chi phí kênh nào tiếp cận rẻ hơn kênh nào rất… “vô tri” (cười). TikTok cũng giống quảng cáo OOH, đều có độ phủ rộng rãi. Bạn có thể chọn độ tuổi, chọn được tệp khách hàng, nhưng nó không có giá trị đi sâu vào khách hàng mục tiêu. Có thể chính sách chạy quảng cáo trên TikTok thời gian đầu khá rẻ để lôi kéo nhà bán hàng trên TikTok Shop. Nhưng về lâu về dài thì chưa chắc. TikTok không phải là thìa vàng và nó không rẻ!

Hãy chọn agency “tử tế” thấu hiểu được sản phẩm doanh nghiệp

Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp thuê agency làm kênh TikTok. Theo anh Hạnh Nguyễn thì họ nên thuê agency hay tự làm?

Tất nhiên nếu công ty của bạn có nguồn lực, cả về con người và về kinh tế, thì có thể tự làm kênh TikTok mà không cần thuê agency. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ, chưa có đủ ngân sách thì tôi khuyên nên thuê agency. Còn những doanh nghiệp ở tầm trung trở lên, có nguồn lực như lực lượng content tốt, có người làm editor có thể kiêm nhiệm nhiều việc, thì nên bắt đầu tối ưu chi phí.  

Tuy nhiên có một thực trạng là nhiều sản phẩm truyền thông do agency thực hiện lại không thể hiện được tinh thần sản phẩm của nhãn hàng. Vậy làm thế nào để tránh tình trạng đó?

Thứ nhất, khi làm việc cùng nhau thì cả client và agency đều phải cùng tiếng nói. Hầu hết doanh nghiệp SME không có chuyên môn về marketing. Rõ ràng sản phẩm của mình thì mình hiểu, còn agency chỉ làm những việc chuyên môn thôi. Mình phải truyền tải lại cho agency tinh thần của sản phẩm, dịch vụ và văn hóa của doanh nghiệp chứ. 

Thứ hai là doanh nghiệp gặp phải agency kém chất lượng (lắc đầu). Agency “bẩn” dùng tool chạy view. Nhãn hàng cứ nghĩ nhiều view là thành công rồi. Nhưng hết hợp đồng thì agency trả về một mớ follow rác. Khi doanh nghiệp bắt đầu tự cầm kênh đăng các clip về sản phẩm, dịch vụ của mình thì đều flop. Tôi không hiểu nổi tư duy của những doanh nghiệp đi mua kênh! Bây giờ người ta bán kênh rẻ như mớ rau muống, tặng kèm thêm đĩa nước mắm vào chấm. Bao ngon! Ăn đi, ăn rồi khóc! Bởi vì mua xong về có dùng được đâu

Tôi đã từng chứng kiến có những bạn 500.000 followers, 1 triệu followers nhưng không chuyển đổi nổi. Bởi vì các bạn có chiêu trò buff view ảo để tăng giá của booking.

Anh có thể gợi ý cho các doanh nghiệp SME một số tips chọn agency chất lượng không?

Có rất nhiều bên xây kênh, dịch vụ làm kênh nhưng tôi chia ra 3 tips để các doanh nghiệp SME có thể nhìn thấy những agency tử tế.

Thứ nhất, profile của họ đã thực hiện những sản phẩm có tiếng tại thị trường. Khi vào xem kênh người ta xây, bạn nhìn thấy sản phẩm dịch vụ, thấy giá trị mong muốn được truyền tải – nghĩa là agency đang thực sự thấu hiểu bài toán và đưa ra được giải pháp cho doanh nghiệp.

Thứ hai là yếu tố năng lực triển khai. Các bạn nhìn thấy họ đã từng triển khai những case nào, hình ảnh ở trên case đó có tốt hay không. Quá trình họ sử dụng hình ảnh, ánh sáng, sự xuất hiện của các nhân vật chính, các chủ thể trong video có ổn hay không.

Và yếu tố cuối cùng là phải nhìn được chặng đường phát triển của kênh. Khi tôi chọn đối tác, tôi sẽ xem một kênh họ làm phát triển chặng đường như thế nào và họ có xây được từng giai đoạn hay không. Đặc biệt là phải xem khi trao đổi với nhau, họ có thật sự cầu thị với mình hay không. Agency phải đánh giá được từ trước đến giờ bạn đang bán cho những khách hàng nào, khách hàng đó đang có hành vi như thế nào. Để từ những vấn đề đó họ tạo ra kịch bản, vừa có yếu tố giải trí, vừa có yếu tố thực tế.

Gen Z có hành vi mua hàng rất khó nhận biết

Báo cáo về TikTok Shop và Shopee cho thấy, trong một quý vừa rồi thị phần của TikTok Shop đã tăng lên 5%. Theo anh Hạnh, việc mua hàng trên TikTok Shop có đang đang hấp dẫn hơn so với các nền tảng khác?

Hấp dẫn hơn chứ! Chắc chắn là có hấp dẫn hơn. Tôi đã từng có phiên livestream hơn 1200 đơn và được gọi là “chiến thần” bán sách đấy (cười). Lý do “nổ đơn” nhiều như vậy là do sản phẩm trên TikTok luôn giảm giá quá nhiều. Deal shock 40% thì chắc chắn khách phải mua, vì giá còn rẻ hơn cả sách cũ cơ mà. Những giai đoạn sau thì chắc chắn khách hàng sẽ mua vì chất lượng của sách. Nhưng ở thời điểm ban đầu, chúng tôi đã cố gắng deal với các nhà xuất bản để có giá tốt nhất.

Trên TikTok, chắc chắn đối tượng Gen Z chiếm đa số. Vậy ngoài yếu tố giá rẻ, điều gì khiến các bạn Gen Z dễ dàng quyết định mua hàng trên TikTok Shop?

Gen Z có hành vi mua hàng rất khó nhận biết. Trước đây, hành trình khách hàng bao gồm: nhận thức, xem xét, quyết định. Nhưng bây giờ hành trình khách hàng chưa bao giờ là tuyến tính cả. Gen Z mua hàng bởi rất nhiều yếu tố tác động. Họ có thể đang ở giai đoạn xem xét mà nhảy ngược lại về giai đoạn nhận thức. Hoặc từ giai đoạn nhận thức họ nhảy sang giai đoạn quyết định mua luôn.

Gen Z đang sống trong một môi trường thông tin. Họ xem các hội nhóm, tìm kiếm trên google để biết bên nào rẻ hơn. Mà rẻ hơn vẫn chưa phải là yếu tố quyết định. Họ còn xem cửa hàng đó được đánh giá như thế nào. Gen Z có thể nhìn ra được đâu là đánh giá fake, đọc bình luận phân biệt được đâu là seeding. Yếu tố quyết định tiếp theo là giá trị và cống hiến xã hội của tổ chức doanh nghiệp đó, rồi tinh thần của sản phẩm có nói lên cái tôi của họ hay không. Có nghĩa là hiện tại, xu hướng làm thương hiệu đã chuyển dịch: từ xa rời với công chúng mục tiêu – đến gắn kết với họ hơn, thể hiện được cái tôi và cá tính của khách hàng.

Kiếm tiền trên TikTok dễ dàng nhưng không lâu dài

Hiện tại các bạn trẻ đang có xu hướng xây kênh TikTok và làm Affiliate Marketing rất nhiều. Theo góc nhìn của một người đã từng kiếm tiền từ Affiliate, anh Hạnh thấy xu hướng đó là tốt hay xấu?

Tôi nghĩ xu hướng đó không xấu. Tuy nhiên nếu nói là tốt thì chưa chắc. Livestream và làm nội dung ngốn rất nhiều năng lượng cũng như thời gian. Và đôi khi, nó làm chúng ta đánh mất chính mình. Các bạn trẻ có thể chưa phân định được đúng và sai. Nếu những sản phẩm bạn nhận quảng cáo có hành lang pháp lý tốt thì các bạn đang mang lại lợi ích cho cộng đồng với những giá trị tích cực. Nhưng với những bạn không có kiến thức về luật, về thị trường và sản phẩm thì việc chia sẻ đó không thực sự đem lại lợi ích cho người theo dõi của bạn. Khi còn trẻ, việc trải nghiệm là không sai nhưng đừng quá sa đà.

TikTok đã giúp các bạn trẻ dễ nổi tiếng và dễ kiếm tiền. Có những bạn đang học đại học đã sở hữu những clip kiếm hàng trăm triệu qua bán hàng. Liệu rằng việc đó có khiến mọi người suy nghĩ là đi học xong ra làm lương 5-7 triệu, giờ lên bán hàng online như thế kiếm tiền còn nhanh hơn?

Chúng ta đều biết phân công lao động xã hội. Không phải công việc nào cũng phù hợp cho tất cả mọi người. Trên TikTok có rất nhiều người cùng làm, nhưng đâu phải ai cũng thành công. Tôi đã từng chứng kiến những người làm livestream nhiều năm. Họ làm đến mức bị viêm dây thanh quản, suy nhược và ảnh hưởng đến thần kinh. Các bạn còn rất trẻ nên chưa nhìn được câu chuyện đó. Thứ giúp chúng ta đứng vững ở thị trường với một ngành nghề nào đó chính là ở nền tảng. Bây giờ có thể bán hàng giúp các bạn kiếm được nhiều tiền, nhưng chưa chắc bạn đã có thể đi đường dài với nó.

Những nội dung kiếm tiền dễ dàng như vậy đã gây ra áp lực đồng trang lứa cho nhiều bạn trẻ khác. Theo anh Hạnh, đó có phải là một dạng content độc hại?

Tôi thấy có một câu nói rất đúng: “Lên TikTok ít thôi, sống thực tế lên!” (cười). Những gì không phù hợp rồi sẽ bị xã hội đào thải. Tôi không phủ nhận rằng có những bạn trẻ giỏi, rất giỏi, siêu giỏi. Good! (giơ ngón cái) Và họ nhận được thu nhập hàng tháng như thế là hoàn toàn xứng đáng. Thực ra tôi nghĩ bản chất của content ấy không toxic. Nhưng các bạn ấy biến nó thành toxic khi nào? Khi bạn không nói ra quá trình và sự nỗ lực của mình, những vất vả và chông gai mà các bạn gặp phải. Nếu các bạn không kể được điều đó, nó sẽ trở thành content toxic! Nó trở thành content khoe mẽ, content ở trên mây và thành áp lực thế hệ.

Cảm ơn những lời chia sẻ bổ ích và thú vị từ anh Hạnh Nguyễn. Chúc anh luôn vui vẻ, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống!

Gọi ngay: 0916 656 634

Gửi yêu cầu